Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Cảnh sát giao thông lấy lại niềm tin yêu trong nhân dân bằng cách nào?

Tôi chỉ xin đóng góp 3 vấn đề cơ bản kính mong ngành Công an tham khảo

Hôm nay nhân bài “Tại sao Cảnh sát giao thông “dầm mưa dãi nắng” vẫn bị ghét- đăng trên Zing 24h ngày 19/6/2015” tôi có vài lời lên tiếng, mong góp tiếng nói tâm huyết trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an đẹp trong xã hội chúng ta.


Cảnh sát giao thông giúp đỡ người dân vượt lũ

Tôi nghĩ, không dễ có nhiều người hiểu được sự vất vả, gian khổ của lực lượng Công an nói chung. Có biết bao nhiêu lực lượng trong ngành Công an ngày đêm lo giữ gìn an ninh và trật tự cho Tổ quốc. được làm chiến sỹ Công an rất đáng tự hào. Mọi người thử nghĩ xem: Nếu không có lực lượng Công an thì làm sao phát hiện được kịp thời âm mưu của bọn phản động, gián điệp để chủ động bảo vệ Tổ quốc, giữ vững Chính quyền nhân dân ? Làm sao phát hiện được âm mưu của bọn tội phạm để bảo vệ cuộc sống yên vui của nhân dân? V v...Và v v. Nói đến sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an đối với Tổ quốc thì không thể kể hết. Phạm vi bài này tôi không nhằm kể công của lực lượng Công an.Tôi chỉ sơ qua vậy thôi, xin được miễn nói về những ưu điểm. Điều chúng ta đang nhức nhói là tại sao lực lượng Công an đã, đang, và luôn là mặt nổi cộm bị người dân kêu ca, phàn nàn.
Có nhiều nguyên nhân gây nên điều đó, tôi chỉ xin đóng góp 3 vấn đề cơ bản  kính mong ngành Công an tham khảo:
1- Chấm dứt hiện tượng nhận hối lộ trong khi thi hành công vụ.
2- Cần xây dựng thái độ thân thiện, cởi mở trong khi tiếp xúc với công dân.
3- Cần có phương pháp làm việc khéo léo, hiệu quả, không cứng nhắc, gây bất bình trong nhân dân.
Cho tôi xin phép tham gia ý kiến về những vấn đề nổi cộm này, không thể đầy đủ, nhưng tôi tin rằng nếu làm tốt 3 điều này thì hình ảnh người Công an nói chung và Cảnh sát giao thông nói riêng trong mắt người dân sẽ đẹp hơn nhiều.
1-Việc nhận hối lộ:
Không phải tất cả Công an đều thế ? Vâng , không phải tất cả Công an đều thế. Nhưng có không ít Công an giao thông như thế lắm, mọi nơi, mọi lúc đấy. Cứ làm “Khang Hy vi hành” thì thấy rõ ngay mà.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề này không phải đơn giản, nhưng có một khía cạnh cần quan tâm ngay là: Kính mong Chính phủ có chế độ bồi dưỡng cao cho lực lượng CSGT để anh em yên tâm, chuyên tâm công tác, không phải quá lo lắng về đời sống bình thường, thì sẽ hạn chế được hiện tượng nhận tiền hối lộ. Nhưng kèm theo đó ngành Công an phải kỷ luật nghiêm khắc, nếu nghiêm trọng thì phải xa thải ngay đối với cán bộ nhận hối lộ, để từng bước chặn đứng hiện tượng tiêu cực này. Không nhận hối lộ đương nhiên sẽ làm đúng. Làm đúng thì đương nhiên nhân dân ủng hộ.
2-Tại sao cần phải xây dựng thái độ thân thiện với nhân dân ?
Tôi nhớ, những năm trước năm 1975 hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát nhân dân thân thiện lắm, dân yêu quý, tin tưởng và dễ gần lắm. Dân chẳng biết anh Công an là như thế nào ngoài anh Cảnh sát áo vàng. “Trăm dâu” dân đổ đầu anh Cảnh sát áo vàng. Vậy mà, dân yêu, kính trọng anh lắm. Người Cảnh sát ngày ấy rất gần gũi dân, thái độ chân tình, cởi mở, đến nhà dân ăn bát cơm nguội, quét nhà, yêu trẻ, kính già. Có lẽ hiếm khi chúng ta nghe có cái tin nào đó nói rằng có cán bộ đặt điều kiện tiền bạc với dân khi giải quyết công việc. Còn ngày nay thì sao ? Nhận thức thế nào mà cứ làm Công an là phải nghiêm “cái bản mặt”. Ảo tưởng về vị trí quan trọng của bản thân đã làm mất cả điều nhỏ nhất trong văn hóa ứng xử của người cán bộ Công an, không ít cán bộ CA lạnh lùng, vô cảm, hống hách, văn vẻ giao tiếp thì thiếu êm ái, quá hiếm khi nở nụ cười với dân. Vì vậy ít còn ai gần gũi, thân thiện với anh Công an nữa. Hãy nhìn lại ngay cái khuyết tưởng chừng như bé nhỏ này đi. Các anh hãy nén cái nắng, cái gió, cái bức xúc trong lòng lại, để rạng rỡ nét mặt lên, dân sẽ gần với các anh hơn.
3-Làm việc khéo léo, hiệu quả, không cứng nhắc:
Vâng, điều này vô cùng cần thiết. Khéo léo thì đạt mục đích mà không mất lòng người. Không cứng nhắc thì được người đời thán phục. Cảnh sát giao thông sao cứ dừng là phải kiểm tra giấy tờ ? lỗi nào các anh cũng làm như vậy ? đường phố thì đang đông người, tắc nghẽn, có quá cần đồng tiền phạt đó không với những lỗi nhỏ, nhất là trong lúc cao điểm đường phố đang đông? Theo tôi, Lúc chiến dịch ta làm nghiêm để có tính răn đe, nhưng lúc bình thường ta nên nhắc nhở, giáo dục người dân là chính. Như vậy có thân thiện hơn không ? Anh công an cần có nhạy cảm để biết người cố ý vi phạm với người vô ý, với người chưa hiểu rõ luật để hành xử cho đúng. Người dân tộc vùng sâu, vùng xa khác người thành phố, người già, trẻ em phải được ưu tiên chút thì đã sao ? Ta không nên cứng nhắc cào bằng chữ “công bằng” để áp dụng với mọi người như nhau. Ví dụ: Tôi rẽ phải, đường rộng,vắng người nên chủ quan không bật xi nhan. Về luật thì tôi sai rồi, nhưng có nhất thiết anh cứ đè tôi ra cầm bằng được giấy tờ của tôi không ? (tôi chưa nói đến phạt nữa). Tôi thiết nghĩ người Công an có tâm , có tình người không cần làm vậy. Chỉ cần một nụ cười, một câu nhắc nhở, tính giáo dục sẽ nhiệm mầu hơn nhiều khi anh phải kiểm tra giấy tờ, viết vé phạt mất mấy chục phút. Thức tỉnh lòng người ta sẽ có kết quả mãi mãi, còn xử phạt ta chỉ có kết quả trước mắt mà thôi. Bởi vậy mà trong thực tế mới có người cố ý lợi dụng lỗi nhỏ để cãi nhau, chọc tức, thách thức các chiến sỹ Công an, làm ảnh hưởng thanh danh người Cảnh sát. Các anh nên mạnh hơn nữa với đầu xanh, đầu đỏ, đầu gấu, đừng để chúng lao xe vào các anh, vác mã tấu, gậy tấn công các anh, nhưng các anh hãy mềm hơn nữa, gắn chữ chân tình vào công tác kiểm tra với dân lành, tôi tin rằng các anh sẽ có kết quả tốt bất ngờ.
Các anh đừng chất vấn tôi: Ông không hiểu những khó khăn của chúng tôi đâu ? Ông làm ông mới biết ? Ông chỉ ngồi bàn phím thôi. Không ! Tôi nghĩ: Bằng mọi giá Công an nên khéo léo, linh hoạt, không được cứng nhắc trong áp dụng luật. Các anh cứ làm người dân thường đi, rồi đến các cơ quan công quyền mà xem. Ở đó người ta cũng rất cứng nhắc, và anh sẽ thấy khó chịu thế nào ? Huống chi các anh là lực lượng công khai, hàng ngày tiếp xúc của dân lành. Không nên đổ tất cả lỗi cho người vi phạm. Con người mà, ai cũng có lúc nọ, lúc kia. Chúng tôi chỉ biết: Anh là Công an, là bộ mặt công khai của một chính thể quốc gia, anh phải chuẩn mực. Các anh hãy giữ lấy hình ảnh tin yêu trong lòng dân, để mỗi khi dân gặp, dân chào anh “Công an cụ Hồ”.
Bài viết này của tôi cũng như hạt cát ném vào biển khơi mênh mông vô tận, nhưng tôi tin còn có nhiều người cán bộ Công an liêm khiết, đạo đức sáng ngời sẽ không bỏ qua mấy góp ý của tôi để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh tốt đẹp.
Mong rằng ngành Công an phát động một “Phong trào xây dựng người Công an nhân dân đẹp” rộng khắp toàn quốc. ( Tất nhiên là còn nhiều cách khác)
Xã hội chúng ta còn những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong các cơ quan nhà nước, nhưng trong bài viết này tôi chỉ muốn nói đến việc làm sao để xây dựng hình ảnh đẹp người Công an nhân dân, trong đó có Cảnh sát giao thông. Tất cả trong tôi chỉ với mong muốn để nhân dân ghi nhận công lao to lớn của các anh trong công cuộc giữ gìn An ninh và trật tự xã hội của đất nước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét